Lãng Tử

Blog Truyện Ma : Cái giếng sau vườn


Trước em cũng có nhắc qua về mấy chuyện kì bí xảy ra trong họ nhà em, đơn cử như cái giếng ở góc vườn nhà cũ. Chuyện cái giếng bắt đầu từ năm cố em mới 7 tuổi, một bà hàng xóm tự nhiên hóa điên vì đứa con độc nhất chết đuối.
Blog Truyện Ma : Cái giếng sau vườn
Blog Truyện Ma : Cái giếng sau vườn
Bà ý cứ tha thẩn khắp làng, cười hềnh hệch suốt ngày, bạ ai cũng xà vào ôm ấp, mấy đứa bé trai thì bị bà ý đuổi riết, luôn mồm gọi: “Con ơi! Con ơi!”. Bà ý cứ điên điên khùng khùng như vậy, dân làng thương hại nhưng chẳng biết làm sao, nhưng làng sống có tình nghĩa lắm, đợt đó mất mùa đói kém mà hôm nào người ta cũng góp gạo nấu tô cháo rồi đưa bà ăn. Cuộc sống cứ thế trôi dần đi, bỗng một hôm, người ta phát hiện xác bà điên trong cái giếng nhà em.
Chẳng biết làm sao mà bà ý lại vào đó rồi sơ sẩy rơi xuống, dân làng lo ma chay xong thì cũng thôi, chuyện cúng cấp, giỗ chạp bà đó chẳng ai đoái hoài đến, dù gì dân họ cũng đã sống hết nghĩa lúc sống, còn đòi hỏi gì hơn nữa. Cái giếng đó bị kị em bít lại, đào cái giếng mới, từ dạo đó, kị cấm con cháu lẫn người ở bén mảng vào gần góc vườn đó. Cứ đến ngày rằm, mùng một là kị em lại đem một bó hương ra cái giếng, khấn vái rồi lẩm bẩm cái gì đó, những lúc như vậy, kị cấm tiệt ai đứng xớ rớ ngó nghiêng. Chuyện đang yên lành, bỗng một hôm, cô ở gái trong nhà đang dắt trâu về bỗng gào toáng lên, vứt cả trâu ngoài cổng rồi chạy bán sống bán chết vào buồng, chui tọt xuống gầm giường. Kị em đang ngồi trên sập, nghe động liền chạy ra, thấy trâu đứng chỏng chơ giữa đường, kị chửi um lên:
- Tổ cha bây! Quân ăn hại, làm gì mà cập rập lên vầy? Để trâu đây cản cả đường làng đường xóm. Thằng Đuýt đâu? Lôi con kia ra đây ông bảo.
Bấy giờ ông Đuýt mới lật đật chạy lên, thưa gửi rồi vào buồng gọi cô Xuyến ra. Cô Xuyến thấy kị em cáu thì sợ run cầm cập, lắp bắp không nói được câu nào. Kị em quát:
- Làm gì mà bây kêu như cháy đồi vậy?
Cô Xuyến run lẩy bẩy, khóc rưng rưng thưa:
- Bẩm ông! Bẩm ông!....Khi nãy con dắt trâu về,…lúc con…con đi qua cái bờ tường, tự nhiên con trâu nó đứng lại…con giục mãi nó không đi nữa, cứ khua sừng rồi ngó trân trân vào vườn. Con nghi nghi dòm theo,….ối ông ơi! Trong cái góc vườn đó, bà…bà…N. hàng xóm bà ý đang ngồi trên miệng giếng, bà ý cười rồi bà vẫy con vào….ối trời ôi, con chạy, con chạy luôn vào. Con lạy ông,…ông tha cho con.
Ông Đuýt thấy cô cứ kêu toáng lên thì khẽ hích một cái, bảo:
- Có gì thì chị nhận lỗi là xong mà chợ.Can gì mà bịa cái chuyện vô căn cứ, ông nào đã bắt lỗi gì chị đâu. Chậc!
Kị em nghe xong, lặng cả người đi, hồi lâu sau thì kị nhẹ nhàng bảo:
- Con Xuyến vào kia, bảo cậu cả thắp cho các cụ nén hương, xin các cụ bảo bọc mày, nhanh lên.
Cô Xuyến chạy vội vào. Kị em thì ngồi thần người đi, mắt nhìn trân trân ra ngoài. Lát sau, mặt kị tím lại,kị đập mạnh xuống bàn, bảo:
- Chú Đuýt, chú tập hợp ngay cả nhà vào đây, không đứa nào được vắng cả, kể cả đứa đang ngoài đồng cũng gọi về tất. Trước Ngọ là đứa nào cũng phải ở trong cái sảnh này.
Ông Đuýt hối hả chạy đi, gọi các cụ nhà em, hai bà vợ của kị, gia nhân ngoài đồng, dưới thung về hết, may mà kịp trước giữa trưa. Đợi mọi người về cả, kị em dặn:
- Tý nữa, tao có việc ra vườn, thằng H.(Em thứ 2 của cố em), thằng Q( Em út nhà cố), chúng mày theo tao, bê cả vàng hương, rượu oản, xôi gà theo, hai thằng bưng hai mâm, thằng cả (cố em) thì ở trên này đội bát hương, không được để ai chạm vào, không được đặt ra khỏi đầu, bao giờ tao lên nhà thì mới thôi. Còn con Huê, con Díp, xuống bếp nấu nước, luộc gà, đồ xôi nhanh, bao giờ xong thì bày lễ, trước giờ Thân phải xong hết.
Sắp xếp xong đầu vào đấy, kị em dặn mọi người từ giờ cho đến lúc kị bảo xong, cấm ai bén mảng ra vườn, ra đường, ở nguyên trong nhà này, ai đi lẻ cũng không được, phải tụm ba bốn người vào mà đi. Đến chừng gần 2 tiếng, thì cỗ mới xong, kị em chờ đến sát giờ Thân mới hối hai cố ra vườn, một cố bưng mâm cỗ, một cố bưng mâm vàng hương, còn cố em thì đội bắt hương lên đầu, quỳ trước ban thờ. Ra giếng, kị đứng khấn to, sau rồi mắng mỏ liên hồi, chốc chốc lại quát tướng lên, cầm ba toong vụt vun vút vào thành giếng. Sau đó, kị bảo hai cố đốt vàng hương, một cố thì hé miệng giếng ra, trút cả mâm lễ xuống rồi bít giếng lại. Xong xuôi hết, kị với hai cố đang chuẩn bị đi vào nhà thì gió rít ào ào, có tiếng chân chạy rầm rập từ ngoài đồng vào thằng vườn nhà. Kị em khấn lầm rầm rồi hú một tràng dài, bẻ đôi cây batoong, căm một nửa xuống cạnh giếng, một nửa cầm vào nhà, hối hai cố vào trước nhanh, để cụ đi sau. Vào đến nhà thì gió tắt, người nhà thì tá hỏa cả lên, cố em gọi to:
- Thầy ơi! Làm sao mà bát hương nặng quá?
Kị trông vào, cả nhà sợ xanh mắt, bát hương đang bốc cháy đượm lên, lửa hồng rựa dữ dội. Nhưng kị em thì thở phào nhẹ nhõm, vái ba vái rồi thượng lại bát hương về ban thờ, bát hương vẫn cháy hồng rực. Kị đưa nửa cây ba toong lên ngang mày, quỳ khấn:
- Cao tằng tổ khảo Lê gia linh thiêng! Cửu huyền, lục chủ xin về đây phù trợ con cháu!

 Kị khấn vừa dứt thì ngoài giếng có tiếng gào rin rít như xé vải, tiếng gào điên loạn. Người nhà sợ rúm lại, kị vẫn khấn càng to, dứt bài khần thì tiếng kêu cũng hết. Từ dạo đó về sau, kị cấm hẳn con cháu không lai vãng đến cái giếng chỗ góc vườn, lại đến ngày rằm, lễ chạp đều biện mâm lễ nhỏ rồi sai người ra đó hóa. Nhưng thi thoảng, chó mèo, gà vịt trong nhà vẫn hay chết quanh giếng, kị không nói gì, chỉ dặn con cháu tránh xa ra, thở dài:
- Cũng tại nhà ta đến hạn, vô phúc gây oán, giá ngày xưa đừng khoét giếng đó, nghe lời cụ T thì có phải giờ vô sự không! Người tính, trời tính lại.